“Monster” là tác phẩm thứ 16 của Hirokazu Kore-eda – một trong những đạo diễn đương đại người Nhật nổi tiếng nhất hiện nay. Ông có 7 phim truyện tranh giải tại LHP Cannes và “Monster” là tác phẩm thứ 8, cũng là phim giúp Kore-eda thu thập thêm giải Queer Palm dành cho phim có yếu tố LGBTQ+. Năm 2018, ông giành được giải Cành cọ vàng cho “Shoplifters”, tác phẩm này sau đó cũng nhận được hai đề cử tại Quả cầu vàng và Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Ê-kip “Monster” tại LHP Cannes 2023
Chủ đề nổi cộm và thường thấy trong các phim của Hirokazu Kore-eda chắc chắn là chủ đề xã hội học, mà gia đình là nền tảng vững chắc để Kore-eda neo đậu và bóc tách nhãn quang độc đáo chính mình, thông qua nhiều mẩu chuyện đời thường tưởng chừng vụn vặt. Nhưng còn có một chi tiết khác giúp “nhận dạng” Kore-eda trên bản đồ điện ảnh thế giới, đó chính là việc ông rất tài tình trong việc dẫn dắt các diễn viên nhí, bằng chừng là “Nobody Knows” năm 2004 giúp cậu bé thiếu niên Yūya Yagira giành giải Ảnh đế, lập kỷ lục là diễn viên người Nhật đầu tiên thắng tại LHP Cannes. Gần 10 năm sau – 2013, ông mang đến Cannes bộ phim “Like Father Like Son” cũng khéo léo khai thác tâm lý trẻ con chân thực, mang về hai giải danh giá bao gồm Jury Prize và Ecumenical Jury.

Hirokazu Kore-eda và hai “ngôi sao nhí” của phim tại Cannes 2023
Các phim còn lại của Kore-eda thường xuyên có nhân vật nhí làm điểm xuyến, dù có thể không phải một “Character-Driven” (tam dịch: người giữ tuyến truyện chính) nhưng luôn tạo bước ngoặt, mở ra hướng đi mới cho nhân vật và nội dung chính. “Monster” có lẽ là bộ phim thứ hai sau “Nobody Knows” mà linh hồn bộ phim được trao cho hai diễn viên nhí Hinata Hiiragi và Sōya Kurokawa dù theo tuyến câu chuyện diễn ra trong phim, nhân vật trung tâm lại do Sakura Andō – “nàng thơ” quen thuộc của vũ trụ Kore-eda đảm nhận. Vì sao có sự đảo lộn bất ngờ này, hãy khám phá một trong những phim có cách kể chuyện hấp dẫn nhất, xứng danh giải thưởng Kịch bản hay nhất (biên kịch Yuji Sakamoto)!
(bài viết tiết lộ toàn bộ nội dung phim)
Rào cản của mẹ đơn thân?

Diễn viên Sakura Andō trong vai Saori
Saori Mugino, mất chồng trong một tai nạn, nhưng cô chẳng màng thương tiếc bởi nhờ vụ việc đau lòng đó, Saori mới khám phá ra chồng cô đã phản bội từ lâu. Một mình nuôi cậu con trai Minato lớn lên trong sự cẩn trọng, đôi khi vì áp lực chồng chất, Saori luôn phản ứng cứng nhắc và thái quá trước mọi việc bởi cô lo sợ sau khi mất bố, con trai mình lại càng dễ tổn thương bởi thế giới hiểm nguy bên ngoài. Vậy nên cuộc sống bình yên của gia đình nhỏ đảo lộn khi Saori trông thấy vết thương ở vành tai con trẻ, cộng với mái tóc bị cắt xớn không đều, vẻ lầm lì cộc cằn của Minato càng khiến Saori quyết tâm tìm ra nguyên nhân.
Sự kiện này giúp Saori đối diện trực tiếp với những vấn đề nan giải của xã hội: học đường! Tại trường tiểu họ, Saori đổ lỗi cho thầy giáo trẻ Hori – người mà Minato cho rằng đã dùng lời lẽ cay nghiệt nói về bản thân cậu bé. Từ đây, Saori mặc định Hori cũng chính là người “tác động vật lý” lên con trai mình và buộc Akihiro Tsunoda – bà hiệu trưởng già nua của trường, phải sa thải Hori cho bằng được. Trái ngược với sự phẫn nộ của Saori, Hori lại có thái độ tương đối hời hợt vì anh cho rằng “một bà mẹ đơn thân” thường làm quá lên mọi việc do lo lắng không thể kiểm soát mọi thứ, sợ “xã hội” bắt nạt. Nhưng Hori càng dửng dưng, Saori càng cuồng nộ. Cô không can tâm nhận lời xin lỗi và cho rằng Akihiro Tsunoda là người “không có trái tim” khi “dĩ hòa vi quý” chuyện thầy giáo đánh học sinh đáng lên án.

Phản ứng thái quá của Saori Mugino khiến mạch phim co giãn đầy căng thẳng trong 30 phút đầu phim, nơi người xem cũng mệt mỏi trước sự chây ì, lười giải quyết từ nhà trường. Bà Akihiro Tsunoda đáng trách hay không, thầy giáo Hori vô tâm quá hay không? Saori Mugino có thật sự đi quá xa khi chưa kiểm chứng toàn bộ sự việc, mà chỉ nghe mỗi lời con trai mình nói? Cô quyết định tìm gặp người bạn thân của con trai mình – Yori, để củng cố thêm cho niềm tin rằng Hori mới thật sự là “quái vật” khi sỉ nhục con trai mình “não lợn” và gây ra vết thương tích ngoài da lẫn trong tâm hồn đứa trẻ.
Trong xã hội hiện đại, mặc dù mẹ đơn thân không còn là câu chuyện mới, đáng mổ xẻ vì mỗi người đều có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm. Song nhìn vào “Monster”, có thể thấy ngay ở với nước Nhật văn minh, người ta vẫn hơi xem thường phụ nữ độc lập nuôi con, thay vì nể phục họ phải gồng gánh nhiều thứ trên vai. Như vậy là Hori đáng trách? Và bà Akihiro với vẻ ngoài đạo mạo thật sự là giả tạo? Nhưng vết tích trên cơ thể Yori là từ đâu? Saori vô tình nghe được lời tiết lộ rằng Minato con trai cô là kẻ bắt nạt, vậy sự thật rốt cuộc là gì?
Lòng người qua “lăng kính” hạn hẹp

Thầy giáo Hori qua diễn xuất của Eita Nagayama
Như đã khen ngợi ở trên, “Monster” không cố tạo một hình mẫu quái vật dễ thấy bằng mắt thường mà ẩn sâu bên trong suy tưởng, chúng ta tự tìm ra câu trả lời. “Monster” cũng không phải là chủ đề tình mẹ thương con, khi cao trào của gia đình Mugino đi tới đỉnh điểm bằng một cơn bão (gợi nhớ “After the Storm” của chính tác giả), bộ phim rẽ sang một bước ngoặt khác gần với lối kể chuyện kinh điển của bộ phim Nhật bản huyền thoại – “Roshamon”. Tức là ở góc nhìn của người mẹ Saori, chúng ta mường tượng ra bức tranh u ám về nhà trường nơi con trai cô học tập, hay sự khuất tất đằng sau bà hiệu trưởng lẫn anh thầy giáo trẻ. Vậy còn ở góc độ Hori, anh nhìn sự việc vừa diễn ra như thế nào?
Hori hiện lên trong bức tranh riêng mình, là một người đàn ông xấp xỉ 30 tuổi, chưa rõ hoài bão là gì nhưng đằng sau nụ cười phơi phới, đôi khi vô tư như một đứa trẻ. Hori quen biết Hirona – một tiếp viên hộp đêm, và trở thành đề tài bàn tán của chính học sinh mà Hori đang dạy, kể cả các đồng nghiệp mà anh rất mực tôn trọng. Hori không làm điều gì sai, chỉ là anh quá hồn nhiên tới độ tưởng rằng mọi thứ đều vô hại, cho tới khi gặp phải Saori và hóa thành tội đồ, bị buộc thôi việc, trở về căn nhà chật chội, ngập nước mưa mỗi khi bão đến…

Qua thế giới quan của Hori, ta lờ mờ nhận thức được một vài lỗ hỏng trong việc quan sát, kết nối dữ kiện và suy luận. Mọi thứ diễn ra trước mặt đều là một chiều, và chưa có sự tương phản lẫn nhau, để tìm ra sự thật. Hori có lỡ tay hoặc cố tình đánh cậu bé Minato? Anh có phải là người thốt những lời sỉ nhục với tâm hồn thơ trẻ đang chịu tổn thương vì mất đi người bố? Kịch tính bộ phim đến giai đoạn, tiếp tục rẽ nhánh sang hai góc nhìn khác: bà hiệu trưởng Akihiro Tsunoda và cậu bé Minato cùng người bạn thân Yori!

Diễn viên kì cựu Yūko Tanaka trong vai hiệu trưởng Makiko Fushimi
Bà Akihiro hiện lên cần kiệm, khoan thai, khiêm nhường tới mức giả tạo và điều này được nhấn mạnh ở hồi một của bộ phim, nơi Saori nài nỉ thậm chí đe dọa bà phải ra quyết định sa thải thầy giáo Hori. Bà Akihiro vừa mất cháu trai, người gây tai nạn lại chính là chồng bà, đang phải ngồi tù. Với một phụ nữ già nua, gần đất xa trời lại chịu đựng nỗi đau ai oán, thật khiến người khác phân vân khi nhìn cách bà đối diện với sự kiện có thể thiêu rụi ngôi trường bởi sự phẫn nộ truyền thông. Bà “tiễn” Hori ra khỏi trường vì tội lỗi mà anh bị ép buộc phải nhận, giống hết như cách bà đã làm để có thể thoát cái án mà chồng đang chịu thay.
Cậu bé Yori, người giấu vết tích trên cơ thể, tưởng chừng như được gây ra bởi Minato (ở một chi tiết người mẹ Saori nhìn thấy bật lửa trong cặp con trai mình), thực chất là do chính cậu bé bị bạo lực gia đình bởi người bố nghiện ngập, bị vợ bỏ rơi mà luôn dày vò con trai mình. Vậy thì giữa Minato và Yori rốt cuộc là có hiềm khích gì dẫn tới hiểu lầm khiến Hori tưởng rằng cả hai đang xung đột? Cách chúng ta nhận xét về Hori từ ban đầu, cũng giống hệt cách anh đánh giá câu chuyện của Minato và Yori. Tương tự như vậy, cách Saori chỉ thấy sự thiệt thòi của con cái mà quên đi mọi chi tiết khác, cũng khiến cô phải trả giá đắt.


Sōya Kurokawa (vai Minato) và Hinata Hiiragi (vai Yori)
Tất cả chúng ta đều không thể nhìn thấu sự việc chỉ từ một phía, một lần, một chiều… mà chỉ có thể hiểu khi bóc tách nó ra từ từ. “Monster” như thể nhắc nhở rằng, chẳng có cái ác nào bằng cái ác của sự vô tâm, ích kỷ và hèn hạ. Chúng ta tưởng rằng mình đang đấu tranh cho mục đích cao cả: mẹ muốn bảo vệ con; hiệu trưởng muốn bảo vệ danh tiếng nhà trường… mà thật sự bỏ lỡ nhiều điều vốn giản dị, vô thường khác. Trong “Monster”, tác giả kịch bản Yuji Sakamoto nhiều lần nỗ lực kết nối các nhân vật, dù chi tiết nhỏ hay lớn, nhằm phác họa bức tranh nhân sinh quan gói gọn chỉ trong 5 nhân vật với các câu chuyện riêng mang. Bộ phim cũng thành công khi soi chiếu nhiều tầng ý nghĩa rất đáng để suy ngẫm. Trong đó, phân cảnh ngắn giữa bà hiệu trưởng và Minato trong lớp học nhạc, được cho là đắt giá, mang đậm tính điện ảnh “đánh thức” các giác quan.
Như ánh mặt trời, sau cơn bão

“Monster” là bộ phim hiếm hoi Hirokazu Kore-eda thực hiện không bằng kịch bản do chính ông viết, mà của… bạn học cùng trường. Điều này chắc chắn tạo sự tươi mới cho Kore-eda, đặc biệt là hồi ba, nơi mà ông kiên quyết phải lấy được cảm xúc nhiều nhất từ người xem. Ở hồi này, mọi bí mật đều bị bại lộ, kể cả mối quan hệ tưởng chừng đơn thuần giữa Minato và Yori. Cấu trúc kể chuyện đa chiều song vẫn giữ được ba hồi rõ ràng, đã giúp “Monster” tuy khó theo dõi với khán giả đại chúng, song được tưởng thưởng xứng đáng bằng trường đoạn cuối đong đầy hạnh phúc xen lẫn nuối tiếc.
Minato và Yori là hai thái cực tưởng khác nhau nhưng lại rất giống nhau: cả hai đều cô lập mình giữa lớp học, và đều là “nạn nhân” của gia đình theo một cách nào đó. Minato chứng kiến sự thật về người bố đáng kính, dù không oán trách, cậu vẫn chỉ là đứa trẻ, biết buồn biết thiếu vắng. Yori ngược lại, sống chung với ông bố rượu chè be bét, sẵn sàng dùng bật lửa hành hạ con trai mình khi nhận ra nó… ẻ lả hơn mức bình thường. Ông thậm chí còn độc ác gán ghép Yori là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ hôn nhân gia đình. Nếu chúng ta buộc phải tìm con quái vật trong phim, có thể đó là ông bố của Yori.
“Monster” trailer
Khi những đứa trẻ chịu tổn thương, chúng thường tìm thấy sự đồng điệu ở nhau. Ban đầu, Minato và Yori tiếp xúc như những người bạn bình thường, rồi dần dà chính Minato được Yori mở ra thế giới riêng nhuốm màu thơ mộng, khó hiểu và cũng rất giao cảm. Những đứa trẻ luôn có suy nghĩ mà người lớn chẳng thể nào hiểu nổi, cả sự tái sinh mà chúng mường tượng ra rằng chiếc xe bus bỏ hoang ở bìa rừng, sẽ dẫn chúng đến thế giới mà chúng ao ước. Không còn xung độ, không còn khổ đau.
Đây là lần đầu tiên Hirokazu Kore-eda khai thác đề tài LGBTQ+ mảng đồng giới nam, với hình ảnh hai đứa trẻ, một quyết định liều lĩnh nhưng thi vị và xứng tầm. Bằng kinh nghiệm làm việc với diễn viên nhí trước đó, Kore-eda dễ dàng lột tả nhiều cảm xúc của hai gương mặt lần đầu đóng phim là Sōya Kurokawa và Hinata Hiiragi. Vừa trong trẻo, vừa vương vấn nỗi buồn trong đôi mắt… màn trình diễn của cả hai đứa trẻ lôi cuốn người xem đến phút cuối, và giúp chúng ta tin vào thứ tình cảm thiện lành khó bị chia cắt bởi những bắt bớ bên ngoài xã hội hiện đại và vội vã, vồ vập.

“Monster” còn được làm tròn đầy dòng lưu luyến nhờ phần âm nhạc từ soạn giả quá cố Ryuichi Sakamoto – người vừa qua đời hồi tháng 3 vì căn bệnh ung thư. Chính nhờ âm nhạc mang âm hưởng chill-out của Ryuichi Sakamoto, bộ phim hiện lên thanh bình, sau hàng loạt xung đột tưởng chừng đen tối nhất. Có quá nhiều ưu điểm khiến “Monster” khỏa lấp đi yếu điểm về một số tình tiết nhỏ, và giúp nó đoạt được giải Queer Palm trong một năm hết sức cạnh tranh như 2023, vượt qua cả “Anatomy of a Fall” – bộ phim sau đó ẵm Cành cọ vàng. Những khán giả có hoặc không quan tâm tới thể loại LGBTQ+, đều sẽ tìm thấy nhiều thông điệp ở “Monster”.
Phản hồi gần đây