Dự án The Magician’s Elephant thực tế được ấp ủ từ năm 2009, ngay sau khi tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Kate DiCamillo ra đời. Nhưng phải đến cuối năm 2020, chú voi không tên mới được mua lại bản quyền để xuất hiện trên màn ảnh.

Kết thúc hơn một thập kỷ chìm trong bế tắc vì trở thành nạn nhân của vụ sáp nhập Disney – Fox, ngày 17/3, bộ phim chính thức ra mắt và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình lẫn khán giả. Phim do Martin Hynes, đồng biên kịch của Toy Story 4, chấp bút. Tác phẩm cũng đánh dấu màn chào sân của biên kịch Wendy Rogers (Shrek, Puss in Boots) trong vai trò đạo diễn.

phim hoat hinh anh 1
“The Magician’s Elephant” là dự án phim hoạt hình gặp nhiều trắc trở.

The Magician’s Elephant lấy bối cảnh ở thị trấn Baltese huyền diệu, nơi hậu quả của chiến tranh đã nhào nặn nên những người dân hoàn toàn chai sạn cảm xúc vì sợ hãi. Peter là đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng trong môi trường khắc nghiệt bởi một người lính già cộc cằn tên Vilna Lutz.

Ngày nọ, cậu vô tình gặp một thầy bói, bà tiết lộ rằng cô em gái mà cậu luôn tin rằng đã chết từ thuở tấm bé, thực ra vẫn còn sống. Cậu đồng ý dùng đồng tiền xu đổi về đáp án cho một nghi vấn quan trọng. Câu trả lời ngắn ngủn “đi theo con voi” đã đưa cậu bé lên hành trình tìm lại hy vọng cùng với thử thách “ba điều bất khả thi” sẽ làm thay đổi thị trấn u sầu Baltese mãi mãi.

Điểm nhấn trong khâu hình ảnh

The Magician’s Elephant còn gây chú ý ở phần nhìn. Đồ họa của phim được thực hiện bởi Animal Logic, xưởng phim gắn liền với những hoạt hình về động vật như Peter Rabbit 2, Happy Feet, Legend of the Guardians: The Owls of Ga’Hoole,…

Tâm điểm là tạo hình của chú voi vô danh, với những đường nét cơ thể đặc trưng theo trường phái tả thực, song đâu đó vẫn mang màu sắc đáng yêu, nhẹ nhàng đúng tinh thần hoạt hình dành cho thiếu nhi.

phim hoat hinh anh 2
Phong cách tả thực kết hợp yếu tố kỳ ảo khiến chú voi trong phim thêm phần sống động.

Hãng này thực tế không làm phim hoạt hình thường xuyên với các nhân vật trung tâm là con người. Nên khi đặt bên cạnh con voi cao cấp, hình ảnh con người dù không quá tệ cũng tự nhiên trở thành một sản phẩm tầm trung.

Song, một số nhà phê bình quốc tế cho rằng đây là sự sắp đặt có chủ đích của nhà làm phim, nhằm tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa voi và người – một cá thể vô tư đại diện cho Mẹ thiên nhiên, và những cá thể lạc lối mang đầy cảm xúc tiêu cực.

Chưa hết, ngoại cảnh với hơn 200 tòa nhà của Baltese được thiết kế với những đường nét thẩm mỹ lấy cảm hứng từ các thị trấn chạy dọc tuyến đường thương mại phía nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Với hai tông màu chủ đạo là xanh lam và hồng nhạt, thị trấn này tương đối tươi sáng, đầy màu sắc nhưng cũng lộ rõ sự suy tàn do chiến tranh. Có thể xem hình ảnh là một “nhân vật” trong phim, bởi cũng như chú voi hay cậu bé Peter, hình họa đóng vai trò lớn xúc tiến các diễn biến trong tác phẩm.

phim hoat hinh anh 3
Hình ảnh đóng vai trò thúc đẩy mạch truyện.

Bước ra khỏi vùng an toàn

Các chất liệu tạo nên The Magician’s Elephant không mới. Thể loại adventure fantasy (phiêu lưu kì ảo), với những cái tên kinh điển như Harry Potter, Lord of the Rings hay Narnia là dòng phim ăn khách tại Hollywood. Hình tượng con voi cũng không còn xa lạ với màn ảnh rộng bởi trước đó, khán giả đã có một Dumbo với đôi tai to và biết bay, trở thành biểu tượng hoạt hình của đế chế Walt Disney.

The Magician’s Elephant tiếp nối công thức cổ điển của thể phim phiêu lưu, với cấu trúc ba hồi quen thuộc: một cậu bé anh hùng, dũng cảm vượt qua nhiệm vụ và một bối cảnh mang tính bất thường – thị trấn Baltese không có niềm tin.

Điểm khác biệt của The Magician’s Elephant so với những bộ phim cùng đề tài chính là Peter không bước chân vào thế giới phép thuật để chinh phục thử thách. Do đó, về mặt bản chất, Peter mang đến cho khán giả cảm giác đây là một cậu bé có thực, gây xúc động bởi cuộc sống nghiệt ngã về cả vật chất lẫn tinh thần.

Nội dung dễ hiểu và hướng tới truyền tải thông điệp tích cực, nhưng The Magician’s Elephant cũng không tránh khỏi những lỗi logic đáng tiếc. Trong câu chuyện, những thử thách mà Peter nhận được bị đánh giá là quá liều lĩnh đến mức phản cảm so với lứa tuổi 8-12 mà bộ phim hướng đến.

phim hoat hinh anh 4
Hạn chế là kịch bản của phim chưa đạt được độ sâu cần thiết.

Vì lẽ đó, thông điệp “điều gì cũng có thể xảy ra” đang rất sâu khắc bỗng trở thành cái cớ, lý lẽ để làm mờ mục tiêu thiển cận của nhân vật và kết cấu thiếu chiều sâu trong kịch bản.

Đồng thời, vì theo đuổi hành trình nhiều tình huống nên các tuyến vai phụ khá đồ sộ dù chưa đủ ấn tượng, còn khía cạnh tâm lý nhân vật bị lý giải khá sơ sài.