Vân (NSND Thụy Vân đóng) mất chồng con, có em trai bên kia chiến tuyến trong “Nổi gió” – phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm được Viện phim Việt Nam chiếu lại tại rạp Ngọc Khánh, Hà Nội, dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng (15/3/1953-15/3/2023). Nổi gió chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, do đạo diễn Huy Thành thực hiện.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam – đánh giá tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển, góp phần khắc họa cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân. Theo ông, các đạo diễn thời ấy không bị áp lực thời gian nên kỹ lưỡng trong từng khung hình, tạo ra nhiều phân đoạn đẹp, mang tính biểu tượng, tràn ngập cảm hứng anh hùng ca.

Poster phim Nổi gió, được trưng bày ở triển lãm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội từ ngày 13 đến 19/3, ở TP HCM từ 23/3 đến 6/9. Ảnh: Viện Phim Việt Nam
Poster phim “Nổi gió”, được trưng bày trong triển lãm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội từ ngày 13 đến 19/3, ở TP HCM từ 23/3 đến 6/9. Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Sau nhiều năm, ông vẫn nhớ hình ảnh nhân vật Vân hiên ngang đi giữa hai hàng lưỡi lê của quân địch hay hình ảnh ngọn lửa từ hai bàn tay bị đốt rực cháy, phản chiếu trong mắt Vân. “Nghệ sĩ Thụy Vân đã diễn tả trọn vẹn tinh thần bất khuất của những anh hùng tóc dài thời kỳ Đồng khởi. Khi phim ra mắt năm 1966, nhân dân miền Bắc đón nhận vì muốn hiểu sâu hơn về cuộc đấu tranh của người miền Nam”, ông Hùng Tú nói.

Diễn xuất của nghệ sĩ Thụy Vân, Thế Anh góp phần lớn vào thành công tác phẩm. Ban đầu, vai Phương được giao cho một người khác. Tuy nhiên, sau khi quay được một phần, đạo diễn Huy Thành cảm thấy không hài lòng và cho dừng quay, tuyển chọn diễn viên một lần nữa. Vai diễn cuối cùng thuộc về nghệ sĩ Thế Anh, mở đường cho sự nghiệp diễn xuất của ông.

Nghệ sĩ diễn tả tinh tế chuyển biến tâm lý của nhân vật. Chàng trai trẻ dần bước vào cuộc đấu tranh tâm lý khi thấm thía nỗi đau của chị gái, dân làng và quê hương. Cuối phim, Phương đứng cùng chiến tuyến với chị gái.

Vai Vân của nghệ sĩ Thụy Vân giàu chất anh hùng ca, toát lên hình ảnh người phụ nữ Nam bộ với vẻ đẹp nền nã, đức tính bất khuất, kiên trung. Nghệ sĩ có nhiều cảnh diễn xuất thần khi Vân bị bắt vào tù, tận mắt thấy con trai bị địch sát hại. Phân đoạn Vân nửa tỉnh nửa điên, đưa võng, chơi đùa cùng chiếc khăn rằn mà chị tưởng là con khiến người xem xúc động.

Nghệ sĩ còn đóng hàng loạt cảnh bị địch đánh đập, tra tấn, đỉnh điểm là khi nhân vật bị quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Trước ngọn lửa cháy rực trên hai bàn tay, ánh mắt cương nghị, gương mặt không chút biến sắc của Vân khiến quân thù sợ hãi. Phân đoạn này gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường của phụ nữ Việt Nam. Hoặc cảnh Vân chèo đò trên sông giữa giông bão, được ghi hình ngay giữa cơn giông thật, tạo hiệu ứng thị giác mạnh.

Trích đoạn Vân bị địch tra tấn, đốt 10 đầu ngón tay trong phim "Nổi gió"
Trích đoạn Vân bị địch tra tấn, đốt 10 đầu ngón tay trong phim “Nổi gió”. Viện Phim Việt Nam

Bộ phim đề cập đến một vấn đề thời sự cuối những năm 1960, khi nhiều gia đình có con cái thuộc hai phe đối lập trong chiến tranh. Sau vài năm thất lạc, Phương (Thế Anh) trở về làng tìm chị gái Vân (Thụy) nhưng bị cô đuổi đi khi phát hiện anh là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Trong chiến tranh, vì hoạt động cách mạng, Vân bị địch giết con trai, tra tấn dã man. Nhờ giả điên, cô dễ dàng hoạt động cách mạng trong nhà lao.

Nổi gió là tác phẩm đầu tiên đoạt giải Bông Sen Vàng cho phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970), đồng thời là là một trong ba phim giúp đạo diễn Huy Thành được trao Giải thưởng Nhà nước cho văn học nghệ thuật năm 2007. Theo cuốn Lịch sử điện ảnh Việt Nam do Cục Điện ảnh thực hiện, Nổi gió là phim truyện đầu tiên về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ.

Ngày 16/3, khi biết tin nghệ sĩ Thụy Vân qua đời ở tuổi 83, sau thời gian chống chọi ung thư nhiều đồng nghiệp, khán giả bày tỏ tiếc thương gương mặt gạo cội của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trên VnExpress, khán giả Thuận Hoàng viết: “Đây là một trong những phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi phim ra đời, chúng tôi được xem trên màn ảnh rộng, phim còn được các đội chiếu bóng lưu động đem đi chiếu rộng rãi ở các làng quê miền Bắc. Xin vĩnh biệt Nghệ sĩ nhân dân Thụy Vân”.