Luật công bằng tài chính được kì vọng sẽ tạo ra chiếc vòng kim cô giới hạn hoạt động vung tay quá trán của những đội bóng lắm tiền nhiều của, nhằm giúp cho châu Âu có sự phát triển bền vững hơn. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp lách luật khiến người hâm mộ không khỏi hồ nghi về công bằng tài chính.

Tuy nhiên UEFA vẫn luôn có cái lý, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Aleksander Ceferin nói: “Luật công bằng tài chính đầu tiên của UEFA được đưa ra năm 2010 là một thành công vang dội. Nó giúp nền tài chính bóng đá châu Âu cân bằng lại và cách mạng hóa cách vận hành của các đội bóng châu Âu. Nhưng đại dịch COVID-19 và sự phát triển của ngành công nghiệp bóng đá đã cho thấy sự cần thiết của việc cải cách toàn diện và các quy định mới về tính bền vững tài chính”.

Đúng như những phát biểu của Chủ tịch Ceferin, trong ngày hôm qua, ở cuộc họp ở Ủy ban Điều hành của UEFA diễn ra tại Thụy Sỹ, các thành viên đã đồng ý thay đổi luật công bằng tài chính. Theo đó, luật mới được đưa ra sẽ cho phép các câu lạc bộ được chi tiền vào chuyển nhượng, lương và phí người đại diện không quá 70% doanh thu. Ngoài ra, các đội bóng cũng được phép thua lỗ 60 triệu Euro trong 3 mùa giải, gấp đôi so với con số 30 triệu Euro được đưa ra trước đó vào năm 2010.

Bên cạnh đó, các câu lạc bộ được đánh giá đang có sức khỏe tài chính tốt sẽ được phép thua lỗ thêm 10 triệu Euro. Điều luật mới sẽ có hiệu lực mới vào tháng 6 năm nay và sẽ được thực hiện dần dần trong 3 năm để các đội bóng có thời gian thích nghi.

Bài viết liên quan

Tin chuyển nhượng Barcelona: Lewandowski và Ronald Araujo

Juventus và Barcelona chi tiền chuyển nhượng khôn ngoan

Chuyển nhượng Haaland: Dortmund chưa nhận được lời đề nghị nào